CÔNG TY CỔ PHẦN GIAO DỊCH
HÀNG HÓA GIA CÁT LỢI

MUỐN KIẾM LỜI Ở THỊ TRƯỜNG HÀNG HÓA PHÁI SINH DỄ HAY KHÓ ? ( 17/03/2023 )

Kiếm lời từ thị trường phái sinh hàng hóa khó hay dễ?

Thực tế, thị trường giao dịch hàng hóa phái sinh tại Việt Nam mới chỉ được nhắc đến nhiều trong một vài năm trở lại đây, đặc biệt kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát thúc đẩy nhiều hơn nhu cầu đầu tư tài chính cá nhân khi các hình thức kinh doanh truyền thống khó khăn do ảnh hưởng dịch. Bên cạnh đó, nguồn tiền rẻ từ ngân hàng cũng kích thích các kênh đầu tư tài chính từ chứng khoán, tiền điện tử… đến phái sinh hàng hóa gia tăng.

Ghi nhận trong giai đoạn 2020-2021, lãi suất huy động của ngân hàng giảm mạnh, trong đó lãi suất kỳ hạn 1, 2 tháng đã về mức thấp chưa từng có 2,55%/năm. Thống kê của Báo Đầu tư Chứng khoán cho thấy, từ tháng 4/2020, hoạt động giao dịch hàng hóa phái sinh tăng trưởng khá tích cực. Nếu như năm 2020, tổng số tài khoản giao dịch tại thị trường Việt Nam là trên 50.000 tài khoản và giá trị giao dịch trung bình đạt 2.000 tỷ đồng/ngày, thì sang năm 2021, giá trị giao dịch trung bình đạt 3.500 tỷ đồng/ngày, thậm chí có những phiên lên đến hơn 7.000 tỷ đồng – mức kỷ lục của thị trường hàng hóa Việt Nam từ trước tới nay.

Lợi thế cũng như là sự khác biệt lớn nhất của kênh phái sinh hàng hóa so với các kênh đầu tư khác là lợi nhuận từ hợp đồng tương lai phái sinh không phụ thuộc vào một chiều tăng hay giảm, mà đến từ biên độ dao động và việc dự đoán xu hướng trên nhiều loại mặt hàng cùng tính đa dạng trong việc lựa chọn các loại hợp đồng khác nhau, bên cạnh tỷ lệ đòn bẩy hấp dẫn.

Theo quy định của Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV) hiện nay, tỷ lệ ký quỹ của hơn 21+ hợp đồng tương lai hàng hóa dao động từ 7-15%/tổng giá trị hợp đồng. Với việc tận dụng lợi thế tỷ lệ đòn bẩy ở mức cao, đầu tư phái sinh hàng hóa có thể mang tới mức lợi nhuận lên tới 5-10%/tháng. Đó cũng là lý do vì sao giao dịch hàng hóa kỳ hạn được xem là sản phẩm đầu tư tài chính hấp dẫn không hề kém cạnh so với thị trường ngoại hối (forex), tiền điện tử hay chứng khoán phái sinh hiện tại.

Tuy nhiên, so với chứng khoán phái sinh, đòn bẩy trong giao dịch hàng hóa phái sinh có thể tạo ra lợi nhuận lớn cho nhà đầu tư có kinh nghiệm, nhưng cũng chứa đựng nhiều rủi ro khi phần lớn nhà đầu tư chứng khoán chuyển sang đầu tư phái sinh hàng hóa qua hệ thống của MXV chưa thực sự có kiến thức nền tảng, cũng như có sự chuẩn bị tốt cho các phương án, chiến lược đầu tư.

Phái sinh hàng hóa là sản phẩm hình thành dựa trên các tài sản cơ sở thực là các mặt hàng như cà phê, cao su, kim loại… giao dịch trên toàn thế giới 23/24h. Do đó, chiến thuật mua – bán các hợp đồng tương lai luôn phải bám vào diễn biến giá theo thời gian thực của các loại tài sản cơ sở này và các xu hướng điều chỉnh ngắn hạn. Tuy nhiên, việc sử dụng kinh nghiệm trong việc đầu tư các sản phẩm tài chính khác để áp dụng cho đầu tư phái sinh hàng hóa không thực sự dễ dàng.

Xung đột chính trị, lạm phát và lãi suất tăng cao trên toàn cầu là những yếu tố khiến cho việc đầu tư phái sinh hàng hóa trở nên khó khăn hơn nhiều so với các loại tài sản khác. Bên cạnh đó, mong muốn kiếm tiền nhanh chóng cùng với hành lang pháp lý còn chưa thực sự đầy đủ, chặt chẽ ở nhiều quốc gia trong khu vực, bao gồm cả Việt Nam, dễ tạo điều kiện cho hoạt động đầu cơ.

Về mặt lý thuyết, chức năng chính của một thị trường tương lai là đảm bảo khả năng chuyển giao rủi ro về giá trên thị trường giao ngay. Mặc dù khối lượng giao dịch lớn có thể thể hiện tính thanh khoản tốt trên thị trường, nhưng một thị trường có thể gặp tình trạng đầu cơ quá mức nếu khối lượng đó không phù hợp với quy mô tài sản trên thị trường cơ sở.

 

Tham gia Diễn Đàn Hàng Hóa Tại đây