CÔNG TY CỔ PHẦN GIAO DỊCH
HÀNG HÓA GIA CÁT LỢI

NHỮNG THUẬT NGỮ CƠ BẢN TRONG GIAO DỊCH HÀNG HÓA PHÁI SINH

Để bắt đầu tham gia thị trường giao dịch hàng hóa phái sinh, các nhà đầu tư cần nắm rõ những khái niệm cơ bản từ đó giúp bạn hiểu rõ thị trường và quản lý giao dịch hiệu quả hơn.Với bài viết này, Gia Cát Lợi sẽ giới thiệu với các nhà đầu tư một vài thuật ngữ cơ bản trong Giao dịch Hàng hóa Phái sinh.

Phái sinh là gì?

Phái sinh (derivative) là một công cụ tài chính mà giá trị của chúng phụ thuộc vào giá của một tài sản cơ sở.

Phái sinh hàng hóa là gì?

Phái sinh hàng hóa là giao dịch trong đó khách hàng thực hiện mua, bán một khối lượng hàng hóa tại mức giá xác định và việc giao nhận được thực hiện trong tương lai.

Phái sinh hàng hóa được thiết kế dưới dạng hợp đồng tài chính mà tài sản cơ sở là hàng hóa.

Thị trường giao ngay (spot market)

Mua bán hàng hóa trực tiếp tại thời điểm hiện tại. Thanh toán và giao nhận ngay tại thời điểm thực hiện giao dịch.

Thị trường chứng khoán cơ sở là thị trường giao ngay.

Sở Giao dịch Hàng hóa

Sở giao dịch hàng hóa là một tổ chức có tư cách pháp nhân, cung cấp và duy trì một nơi mua bán cụ thể để các nhà đầu tư có thể giao dịch hàng hóa. Tại thị trường Việt Nam, các nhà đầu tư muốn giao dịch hàng hóa phái sinh cần phải tuân theo những quy định và tiêu chuẩn của Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam.

Sàn giao dịch Hàng hóa

Là nơi mà các nhà đầu tư cá nhân và tổ chức giao dịch các hợp đồng tương lai hàng hóa. Hiện nay trên thế giới có 4 sàn giao dịch hàng hóa phái sinh tập trung nhiều nhà đầu tư và tập đoàn lớn trên thế giới: CBOT, NYMEX, ICE và TOCOM.

Các loại hợp đồng trong Giao dịch Hàng hóa Phái sinh

Hợp đồng kỳ hạn (Forward Contracts): Là hợp đồng kết thúc trong một thời hạn định trước trong tương lai và là một hợp đồng không quy chuẩn.

Hợp đồng tương lai (Futures): Là hợp đồng kỳ hạn quy chuẩn, giao dịch mua bán sẽ giao dịch trong 1 điểm nào đó trong tương lai.

Hợp đồng quyền chọn (Options): Là hợp đồng giúp người mua bán có quyền chọn mua trước bán sau hay bán trước mua sau tùy theo nhu cầu nhận định của nhà đầu tư.

Các đối tượng tham gia trên thị trường Hàng hóa Phái sinh

Hedger (Người bảo hiểm giá): Người bảo hiểm giá có nhu cầu sử dụng thực tế đối với hàng hóa cơ sở. Sử dụng phái sinh hàng hóa làm công cụ để phòng vệ rủi ro từ biến động giá.

Speculator (Người đầu cơ): Không có nhu cầu sử dụng thực tế đối với hàng hóa cơ sở. Mua bán các hợp đồng phái sinh hàng hóa nhằm thu về lợi nhuận từ sự biến động giá.

Arbitrager: Người thực hiện các chiến lược kinh doanh chênh lệch giá.

Hàng hóa cơ sở

Hàng hóa cơ sở được phân loại thành 4 nhóm chính:

  • Nông nghiệp: Ngô, Lúa mì, Đậu tương, Khô đậu tương, Dầu đậu tương,…
  • Nguyên liệu: Bông, Đường, Cao Su, Cà phê Robusta, Cà phê Arabica,…
  • Kim loại: Bạc, Nhôm, Đồng, Quặng sắt,…
  • Năng lượng: Dầu thô, Dầu đốt, Khí đốt tự nhiên, Xăng pha chế,…

Vị thế (hay vị thế mở)

Vị thế mở trong thị trường kỳ hạn là số lượng hợp đồng kỳ hạn mà một người nắm giữ (hợp đồng bán, hợp đồng mua).

Khi vị thế hợp đồng còn ở trạng thái mở, thì người nắm giữ buộc phải tham gia vào quá trình giao nhận hàng hóa vật chất.

Giao dịch đối ứng (đóng vị thế mở)

Thực hiện một lệnh ngược với vị thế đang nắm giữ với khối lượng bằng khối lượng vị thế đang nắm giữ.

Bù trừ vị thế (Offset)

Bù trừ vị thế (Offset) thực hiện một giao dịch đối ứng để đóng tất cả các vị thế còn đang mở, tránh phải tham gia vào quá trình giao nhận hàng hóa vật chất.

Khối lượng giao dịch (Volume)

Khối lượng giao dịch (Volume) là khối lượng hợp đồng được giao dịch trong một đơn vị thời gian.

Thông thường được thống kê hàng ngày. Có thể theo từng lệnh giao dịch tại từng thời điểm cụ thể, theo tuần, theo tháng, theo năm.

Các loại lệnh cơ bản trong thị trường Hàng hóa Phái sinh

  • Lệnh thị trường (Market Order/MKT): Mua/Bán các hợp đồng tại mức giá thị trường.
  • Lệnh giới hạn (Limit Order/LMT): Mua/Bán các hợp đồng tại mức giá được chỉ định hoặc tốt hơn.
  • Lệnh dừng (Stop Order/STP): Mua/Bán các hợp đồng với lệnh thị trường khi mức giá tại thị trường bằng mức giá dừng được chỉ định trước.
  • Lệnh dừng giới hạn (Stop Limit Order/STL): Mua/Bán các hợp đồng với mức giá giới hạn khi mức giá tại thị trường bằng mức giá dừng được chỉ định trước.

Ký quỹ

Là số tiền mà nhà đầu tư phải nộp và duy trì trên tài khoản của mình để thực hiện nghĩa vụ thanh toán từ giao dịch hàng hóa phái sinh.

Các loại ký quỹ trong Giao dịch Hàng hóa Phái sinh:

  • Ký quỹ ban đầu (Initial Margin – IM): Để có đủ điều kiện đặt lệnh mở mới
  • Ký quỹ duy trì (Maintenance Margin – MM): Để duy trì vị thế và không bị đóng lệnh bắt buộc
  • Ký quỹ biến đổi (Variation Margin – VM): Khoản tiền nộp thêm cho Thành viên kinh doanh khi dưới mức yêu cầu
  • Ký quỹ giao nhận hàng hóa (Delivery Margin – DM): Áp dụng sau ngày thông báo đầu tiên khi có ý định tham gia giao nhận hàng hóa
  • Ký quỹ đặc biệt (Special Margin – SM): Tại những thời điểm đặc biệt biến động của thị trường trung toàn cầu. SGD sẽ có thông báo.
  • Ký quỹ bù trừ (Clearing Margin – CM): Áp dụng cho Thành viên kinh doanh

Margin Level

Margin Level (mức ký quỹ) là tỷ lệ giữa tài sản của nhà giao dịch và tài sản thế chấp được thể hiện ở dạng phần trăm. Mức ký quỹ cho thấy rủi ro hiện tại để kịp thời ngăn chặn. Việc quan sát mức ký quỹ giúp nhà giao dịch hiểu được rằng anh ta có đủ tiền để mở một lệnh mới hoặc duy trì lệnh đã mở.

Công thức tính:

Margin Level = (Equity / Necessary Margin) x 100%.

Bước giá

Bước giá là chênh lệch nhỏ nhất giữa hai mức giá.

Giá khớp lệnh

Là giá giao dịch thành công được xác định từ kết quả khớp lệnh trên hệ thống giao dịch của Sở Giao dịch Hàng hóa.

Giá thanh toán cuối cùng

Là mức giá được xác định cuối ngày giao dịch để tính toán lãi lỗ hàng ngày của các vị thế.

Giá thanh toán cuối ngày

Là mức giá được xác định cuối ngày giao dịch để tính toán lãi lỗ hàng ngày của các vị thế.

Đặc tả hợp đồng

Những thông số của hợp đồng kỳ hạn được Sở giao dịch hàng hóa đưa ra chi tiết thông qua một bản Đặc tả hợp đồng.

Độ lớn hợp đồng

Là lượng hàng hóa cơ sở được giao dịch trong mỗi hợp đồng.